Khi nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ngày càng được chú trọng, thì nhu cầu nguồn nhân lực của ngành kỹ thuật xây dựng (Kỹ thuật công trình xây dựng) cũng ngày càng lớn.
Kỹ thuật xây dựng là gì?
Kĩ thuật xây dựng là một lĩnh vực kĩ thuật liên quan đến kế hoạch, thi công và quản lý các công trình xây dựng như đường cao tốc, cầu, sân bay, cảng biển, đường sắt, đường hầm, tòa nhà hay cao ốc, đập, hồ chứa nước, công trình trên biển…
Các dự án xây dựng đòi hỏi kiến thức về kĩ thuật và những nguyên tắc quản lý, thủ tục kinh doanh, kinh tế học, luật pháp và những mối quan hệ giữa các bên trong dự án.
Hiện nay, công việc của một kỹ sư công trình xây dựng có thể chia thành ba nhóm sau: ngoài công trường, trong công xưởng và trong văn phòng.
Cụ thể, ngoài công trường là những công việc liên quan đến triển khai, thi công sản phẩm xây dựng bao gồm: kỹ sư phụ trách thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định, nghiệm thu các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp tại các doanh nghiệp, công ty tư vấn xây dựng hay các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng như: Sở Xây dựng, Phòng công thương quận, huyện, Ban quản lý dự án xây dựng,…
Trong công xưởng là những vị trí như: kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng. Đối với công việc trong văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng (Kỹ thuật công trình xây dựng) có thể làm Chuyên viên tư vấn, lập dự toán, thiết kế kỹ thuật, thẩm tra thiết kế tại các công ty, tập đoàn xây dựng hoặc Giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành xây dựng.
Triển vọng của ngành
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc – xây dựng hiện là ngành thu hút nhiều nhân lực, chiếm 4% (khoảng 11.000 người/năm) tổng nhu cầu nhân lực mỗi năm của riêng TP. HCM.
Đến cuối năm 2015, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, chế biến thực phẩm,… Do đó, cơ hội việc làm đối với ngành Kỹ thuật xây dựng (Kỹ thuật công trình xây dựng) không bao giờ thiếu.
Cơ hội nghề nghiệp bao gồm các công việc về thiết kế, thi công, quản lý thi công, thẩm tra thiết kế, quản lý dự án xây dựng, khảo sát và kiểm định công trình, hoặc tiếp tục học ở các bậc học cao hơn để trở thành các giảng viên và cán bộ nghiên cứu cho các Đại Học trong nước và Quốc tế.
Danh sách các trường đại học đào tạo
1. Kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp
Khu vực miền Nam: Đại học Giao thông vận tải, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đại học xây dựng Miền Tây, Đại học Bách Khoa TP HCM, Trường Đại học Mở TP HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Ngô Quyền
Khu vực miền trung: Đại học Vinh, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại Học Xây dựng Miền Trung
Khu vực miền Bắc: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, Đại học Thủy lợi, Học viện Hậu cần, Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Hải Phòng, Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học dân lập Phương Đông
2. Kỹ thuật xây dựng công trình quân sự
Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn
Trường Đại học Ngô Quyền
3. Kỹ thuật xây dựng cầu, đường
Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, Đại học Thủy Lợi, Đại học Vinh, Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học Ngô Quyền, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học xây dựng Miền Trung, Đại học dân lập Phương Đông
4. Kỹ thuật xây dựng sân bay
Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn
Trường Đại học Giao thông Vận tải.
5. Kỹ thuật xây dựng đô thị
Trường Đại học Xây dựng và các trường Đại học Kiến trúc (Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh)
Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh
Chương trình đào tạo cơ bản
Lập dự án đầu tư xây dựng công trình: Hình thành, xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng công trình, lập báo cáo kinh tế kinh tế- kỹ thuật công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy có quy mô từ nhỏ đến quy mô vừa cũng như tham gia trong các dự án lớn. Phân tích đánh giá tác động kinh tế – xã hội, tác động môi trường các dự án.
Khảo sát và thiết kế công trình: Thực hiện các khảo sát, thiết kế kỹ thuật- thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi.
Kiểm định và cải tạo: Khảo sát, phân tích, kiểm định đánh giá và thiết kế kỹ thuật cải tạo
Thi công công trình: Tổ chức thực hiện thi công công trình
Năng lực: Có năng lực độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong các hoạt động nghề nghiệp; có khả năng tự học nâng cao trình độ, tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn
Phẩm chất chính trị, sức khỏe và kỹ năng mềm: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; có sức khỏe tốt và có những kỹ năng làm việc tốt trong môi trường quốc thắng.
Hy vọng, những thông tin này sẽ là cơ sở quan trọng để bạn chọn cho mình một ngành nghề phù hợp, hướng đến một tương lai thành công